4/9/12

Thương mại điện tử: Thật giả lẫn lộn

[Tư vấn Marketing4u] - Thương mại điện tử (kinh doanh trên internet) đang trở thành một làn sóng mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, làn sóng này đang bị vẫn đục bởi những tiêu cực và gian trá trong kinh doanh trên mạng. 

Cùng với tốc độ phát triển internet rất nhanh ở Việt Nam, hình thức kinh doanh trên mạng internet hay còn gọi là thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đã trải qua 10 năm. Từ manh nha cho đến phát triển mạnh mẽ với cả những mặt tốt và xấu đi kèm. Câu chuyện lừa đảo từ sàn giao dịch điện tử Muaban24 của Công ty MB24 vừa qua là hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề phát triển TMĐT ở Việt Nam, giữa những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng và kẻ lừa đảo, giữa tốc độ phát triển của thị trường và khả năng quản lý của các cơ quan chức năng.
Tiềm năng lớn, nhưng... 

Hiện nay, Việt Nam có gần 30 triệu người sử dụng internet và theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam 58% người sử dụng internet lên mạng tìm hiểu thông tin hàng hóa trước khi quyết định mua. Đây chính là cơ hội để TMĐT Việt Nam phát triển. Theo dự báo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, đến 2015 tổng sản lượng giao dịch hàng hóa trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 6 tỷ USD, trong đó có 2 tỷ USD giao dịch thanh toán trực tuyến. 





Có thể khẳng định TMĐT đang phát triển không ngừng tại Việt Nam, đã thu hút sự tham gia của một số tập đoàn thương mại lớn trên thế giới, gần đây là sự bắt tay giữa hãng đấu giá trực tuyến hàng đầu thế giới eBay và Công ty Giải pháp phần mềm Hòa Bình khi eBay mua 20% cổ phiếu của Hòa Bình. Hiện nay, khá nhiều website về TMĐT đã đi vào hoạt động, có uy tín trong nhiều năm qua như: vatgia.com, chodientu.vn, 5giay.vn, 123mua.vn, pico.vn, thegioididong.com, nguyenkim.com... Bản thân nhiều công ty lớn như VNG, FPT, VTC trong những năm qua cũng đang xây dựng hệ thống này. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát triển TMĐT của Việt Nam hiện đang gặp không ít trở ngại. Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm Hòa Bình cho rằng, khó khăn nằm ở tâm lý của người dân. Người dân chưa quen với hình thức thanh toán trực tuyến, bên cạnh đó nhiều website chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng tham khảo. 

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI cho biết, hiện các doanh nghiệp ngày càng quan tâm vào mua bán trực tuyến. Tuy nhiên, việc thanh toán qua trực tuyến thường đem lại rủi ro với sự lừa đảo ngày càng tinh vi trên môi trường mạng. Bởi vậy, một giải pháp thanh toán an toàn, đủ tin cậy cho người tiêu dùng chính là yếu tố tiên quyết, ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của các doanh nghiệp. 

Gian lận kìm hãm phát triển 

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Điện tử Việt Nam, sau 6 năm thực hiện, Nghị định về TMĐT đã bộc lộ một số hạn chế, một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để kinh doanh không lành mạnh. Bộ Công thương nhận định, do đặc thù của hoạt động mua bán trên mạng là người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp, chỉ giao dịch trên không gian ảo nên một số quy tắc trong giao dịch truyền thống không phù hợp. Hoạt động kinh doanh qua mạng đang phát triển khá tự phát, chưa có sự giám sát chặt nên phát sinh nhiều vấn đề như quảng cáo sai sự thật, lừa đảo, trốn thuế... 

Đáng chú ý là sự xuất hiện ngày càng nhiều phương thức kinh doanh mới như nhóm mua qua mạng, sàn giao dịch hàng hóa trực tuyến, đấu giá trực tuyến và cả hình thức biến tướng của kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, các văn bản hiện hành vẫn còn thiếu quy định xử lý. 

Chính vì thế, Dự thảo nghị định về TMĐT sửa đổi đã dành hẳn Điều 4 để quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động TMĐT. Theo đó, hành vi kinh doanh bị cấm là: Cung cấp dịch vụ TMĐT thông qua một mạng lưới kinh doanh, tiếp thị, trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới. 

Trong 6 tháng đầu năm 2012, lực lượng công an đã phá 2 vụ án tội phạm mạng: Công ty TNHH Diamond Holiday (DHT) và Công ty Đào tạo mua bán trực tuyến Muaban24 (MB24). Cả 2 công ty đều có chung một hành vi lừa đảo: dụ dỗ, lôi kéo người tham gia để hưởng hoa hồng. Hậu quả là có hơn 100.000 người tham gia nộp vào 2 công ty với số tiền lên tới hơn 1.400 tỷ đồng. Hậu quả để lại rất nặng nề, không ít người lâm vào cảnh nợ nần, mâu thuẫn vì đã lừa gạt lẫn nhau. Vụ việc Công ty MB24 thực hiện kinh doanh trực tuyến trên trang web muaban24.vn xét cho cùng không phải là TMĐT mà là trá hình để lừa đảo theo phương thức bán hàng đa cấp. 

Trang web này đã mở nhiều gian hàng ảo, bán hơn 120.000 gian hàng điện tử cho hàng ngàn người ở 32 tỉnh, thành. Qua kiểm tra chỉ khoảng 5% tổng số gian hàng đó có hàng để bán. Công ty này chủ yếu kêu gọi khách tham gia mua gian hàng với hình thức đóng tiền, giới thiệu thêm khách hàng để hưởng hoa hồng... Theo các chuyên gia, kiểu kinh doanh như MB24 vẫn còn tồn tại ở Việt Nam với những quy mô khác nhau. Đó là chưa nói trên các sàn giao dịch TMĐT, hàng thật, hàng giả còn bị “tráo đổi”, gây thiệt hại đối với người mua hàng lẫn doanh nghiệp sản xuất. 

Theo các chuyên gia nước ngoài, nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các website mua bán trực tuyến cũng được đánh giá là một trong những nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển của TMĐT Việt Nam. Bên cạnh đó, sự thiếu tin tưởng vào việc mua bán trên mạng cũng như việc thanh toán tiền hàng trực tuyến đã trở thành thách thức chính khiến TMĐT ở Việt Nam chưa thể cất cánh. 

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, mức độ tin cậy của các trang web cũng như chứng cứ để giải quyết tranh chấp xảy ra trong TMĐT đang là vấn đề lo ngại đối với doanh nghiệp lẫn khách hàng. Vì vậy, Nghị định TMĐT mới cần có các quy định chặt chẽ hơn để vừa đảm bảo sự tiện lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo độ tin cậy cho khách hàng trong giao dịch. Qua đó giảm thiểu tình trạng gian lận, lừa đảo đối với hoạt động TMĐT như thời gian qua.

  Thống kê của Bộ Công thương, trong 5 năm triển khai kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2006-2010, đã có 60% doanh nghiệp lớn tiến hành TMĐT. Trong số đó, có 70% doanh nghiệp thiết lập website, 95% doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện điện tử, 96% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử thường xuyên cho mục đích kinh doanh. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, có tới 85% doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện điện tử, 80% sử dụng thư điện tử thường xuyên cho mục đích kinh doanh.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kế hoạch tổng thể phát triển đến năm 2015 là Việt Nam sẽ đạt mức tiên tiến trong khối ASEAN về mức phổ biến TMĐT. Khi đó, tất cả doanh nghiệp lớn đều tiến hành giao dịch TMĐT, 100% sử dụng thường xuyên thư điện tử trong giao dịch sản xuất kinh doanh; 80% có website cập nhật thông tin thường xuyên; 70% tham gia các website TMĐT để mua bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ; hình thành một số sở giao dịch hàng hóa trực tuyến quy mô và một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ TMĐT lớn có uy tín trong nước và khu vực.
Trần Lưu