4/6/13

Họ Nguyễn làm chủ doanh nghiệp nhiều nhất

Thương HiệuTheo thống kê của VnExpress.net và số liệu của Công ty Chứng khoán VnDriect, hiện trên 2 sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP HCM (HOSE) có khoảng 700 doanh nhân giữ chức danh Chủ tịch HĐQT của các công ty niêm yết, và mang gần 60 họ khác nhau. Trong đó, những người mang họ Nguyễn, Trần, Lê, Phạm chiếm hơn một nửa tổng số lãnh đạo cao nhất.

Gần 200 doanh nhân họ Nguyễn làm chủ tịch HĐQT các công ty niêm yết. Trong khi đó đại diện các họ Trần, Lê, Phạm, Đỗ, Vũ, Bùi thay nhau đứng đầu 260 doanh nghiệp khác.

Chiếm khoảng 32% số người giữ chức danh Chủ tịch HĐQT, nhiều doanh nhân mang họ Nguyễn đang nắm những doanh nghiệp niêm yết lớn nhất trên sàn chứng khoán. Chẳng hạn, ông Nguyễn Đăng Quang - Công ty cổ phần Masan (Mã CK: MSN), một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (Mã CK: REE), một trong những Người tiên phong năm 2012 theo bình chọn của VnExpress.net. Ông Nguyễn Văn Đạt – Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR), một trong 10 người giàu nhất sàn chứng khóan Việt Nam 2012. Hay ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, Mã CK: VCB), một trong những nhà băng lớn nhất Việt Nam…
Từ trái qua phải, ông Nguyễn Hòa Bình, ông Nguyễn Đăng Quang, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, ông Nguyễn Văn Đạt.

Với khoảng 70 người đứng đầu các doanh nghiệp niêm yết, chiếm tỷ lệ 10%, những doanh nhân họ Trần cũng không thiếu những nhân vật nổi bật. Ví dụ như ông Trần Bắc Hà – Ngân hàng cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Hùng Huy – Ngân hàng cổ phần Á Châu Việt Nam (ACB), ông Trần Đình Long - Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG). Ông Trần Kim Thành – Công ty cổ phần Kinh Đô (Mã CK: KDC). Ông Trần Xuân Kiên - Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (Mã CK: TAG), hay ông Trần Bá Phúc - Công ty cổ phần Nhựa thiếu niên tiền phong (Mã CK: NTP)…
Từ trái qua phải, Trần Bắc Hà, ông Trần Hùng Huy, ông Trần Đình Long, ông Trần Kim Thành.

Họ Lê chiếm 8% số doanh nhân giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT trên sàn chứng khoán cũng gồm nhiều nhân vật tên tuổi. Như ông Lê Hữu Đức - Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (Mã CK: MBB), ông Lê Hùng Dũng - Ngân hàng cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Mã CK: EIB), ông Lê Quang Bình – Tập đoàn Bảo Việt (Mã CK: BVH). Ông Lê Phước Vũ – Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG). Ông Lê Vĩnh Sơn - Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (Mã CK: SHI). Ông Lê Văn Quang - Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (Mã CK: MPC) hay ông Lê Vũ Hoàng - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (Mã CK: CII) .
Từ trái qua phải, ông Lê Hùng Dũng, ông Lê Hữu Đức, ông Lê Phước Vũ, ông Lê Quang Bình.

Với trên 50 doanh nhân giữ chức Chủ tịch HĐQT, họ Phạm cũng gồm nhiều doanh nhân nổi bật trong các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, bà Phạm Thị Việt Nga – Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (Mã CK: DHG), ông Phạm Nhật Vượng – Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC), ông Phạm Huy Hùng - Ngân hàng cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank, Mã CK: CTG), ông Phạm Hữu Phú – Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, Mã CK: STB), ông Phạm Quang Vũ - Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa (Mã CK: VCF), bà Phạm Minh Hương - Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect (Mã CK: VND)...
Từ trái qua phải, ông Phạm Huy Hùng, ông Phạm Nhật Vượng, ông Phạm Hữu Phú, bà Phạm Thị Việt Nga.

Theo thống kê của ngành xã hội học, hiện những người mang họ Nguyễn chiếm khoảng 38% dân số Việt Nam, tiếp theo là các họ Trần (12%), Lê (9,5%), Phạm (7%). Do đó, theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó giám đốc thường trực Trung tâm UNESCO Văn hóa Gia đình và Dòng họ Việt Nam, việc có khoảng 28% những người mang họ Nguyễn là lãnh đạo cao cấp của các doanh nghiệp không phải là chuyện "đột biến".

Ngoài ra, theo chuyên gia này, những con số thống kê về họ hiện nay chỉ là bề nổi trên chứng minh thư, còn người thực sự mang họ nào, dòng nào thì rất khó biết. "Lịch sử Việt Nam trải rất dài và nhiều biến động, nên người của dòng họ này chuyển sang họ khác rất nhiều. Ví dụ sau khi đánh thắng quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã ép khá nhiều người chuyển sang dòng họ Nguyễn. Họ này vì thế rất phổ biến về sau", ông giải thích.


Tuy vậy, thống kê kết quả kinh doanh quý I/2013 cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp thua lỗ so với số công ty có lãi tại những đơn vị có chủ tịch HĐQT mang họ Trần là cao nhất, với 40%. Họ Vũ đứng thứ 2, với tỷ lệ 29%. Những ông chủ mang họ Nguyễn quản lý công ty khá tốt, khi xếp thứ 3. Còn quản trị tốt nhất, là hai họ Lê và Đỗ, khi số doanh nghiêp lỗ chỉ bằng 14% so với số công ty làm ăn có lãi.

Uyển Nhi - VnExpress